Vào tối 6.11 (giờ Mỹ), WeWork thông báo đã tiến vào giai đoạn thỏa thuận hỗ trợ tái cơ cấu với đa số cổ đông nhằm "giảm mạnh" các khoản nợ của công ty, trong khi xúc tiến việc thẩm định hồ sơ kinh doanh lĩnh vực cho thuê văn phòng của hãng.
Trong đơn xin bảo hộ phá sản, WeWork cũng yêu cầu được cấp năng lực từ chối cho thuê những vị trí cụ thể, mà theo công ty đánh giá là kinh doanh phần lớn không hiệu quả, theo AP hôm 7.11.
Tổng giám đốc David Tolley cho hay WeWork đã xác lập một định nghĩa mới về làm việc, và những biện pháp đang được thực hiện nhằm cho phép công ty tiếp tục duy trì vai trò đầu tàu trong lĩnh vực làm việc linh động trong tương lai.
WeWork nộp đơn xin phá sản
Nguy cơ phá sản đã chực chờ WeWork trong thời gian qua. Vào tháng 8, công ty trụ sở thành phố New York (bang New York, Mỹ) lên tiếng báo động về khả năng tiếp tục kinh doanh. Tuy nhiên, những rạn nứt đã bắt đầu xuất hiện từ vài năm trước, không lâu sau khi công ty được định giá 47 tỉ USD.
WeWork đang phải trả giá cho tham vọng mở rộng quá nhanh trong những năm đầu hoạt động. Công ty tiến hành niêm yết vào tháng 10.2021 sau nỗ lực đầu tiên đã thất bại trước đó 2 năm.
Sự thất bại khi ấy dẫn đến sự ra đi của nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Adam Neumann.Tập đoàn SoftBank (Nhật Bản) đã gia nhập với nỗ lực duy trì WeWork, và giành được quyền kiểm soát công ty.
Bất chấp những nỗ lực nhằm đảo chiều xuống dốc sau sự ra đi của nhà sáng lập Neumann, bao gồm việc cắt giảm mạnh phí hoạt động và tăng doanh thu, WeWork xoay xở một cách chật vật trong một thị trường bất động sản đang bị rung chuyển vì lãi suất tiền vay tăng cao, cũng như vì đại dịch Covid-19 khiến nhân viên văn phòng chuyển sang làm việc tại nhà.
Tính đến ngày 30.6, thời điểm gần nhất công bố số liệu nhà đất cho sở giao dịch chứng khoán, WeWork có 777 địa điểm ở 39 quốc gia. Đến tháng 9, công ty tiến hành thương thuyết lại hầu như mọi bất động sản cho thuê, và lãnh đạo WeWork đã lên tiếng cảnh báo về năng lực duy trì hoạt động của hãng.